[VĂN MẪU GIỮA KÌ] CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

Ngày 18/11/2020 18:42:24, lượt xem: 10120

CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

SOẠN BÀI: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

MỞ BÀI: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

KẾT BÀI: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

Từ một câu chuyện có thật trong dân gian, kể về nỗi oan khuất của một người thiếu phụ. Nguyễn Dữ đã viết nên “Chuyện người con gái Nam Xương” nằm trong tác phẩm Truyền kì mạn lục để phản ánh bất công xã hội, ca ngợi vẻ đẹp của người người phụ trong xã hội phong kiến thông qua Vũ Nương - người phụ nữ đẹp người, đẹp nết, tư dung đẹp, tính tình hiền dịu nết na nhưng lại có cuộc đời đầy bi kịch. Để hiểu rõ hơn về nhân vật Vũ Nương, Học văn chị Hiên sẽ cùng các em tìm hiểu sâu hơn trong bài này nhé!

Đề bài: Phân tích nhân vật Vũ Nương qua tác phẩm “CNCGNX”

Mở bài:

 

“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.”

(Lê Thánh Tông)

Từ một câu chuyện cổ tích của Việt Nam nói về nỗi oan khuất của một người thiếu phụ, Nguyễn Dữ đã viết lên “Chuyện người con gái Nam Xương” để lại biết bao ấn tượng trong lòng đọc giả. Dưới ngòi bút nhân đạo của tác giả, hiện thực xã hội đương thời đầy bất công oan trái kia hiện lên đã đẩy bao con người nhất là phụ nữ vào những con đường không lối thoát. Tác phẩm giống như một lời lên tiếng phê phán xã hội phong kiến bất công, nghiệt ngã đồng thời là tiếng nói ca những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Thân bài:

Trong xã hội phong kiến, dường như tất cả mọi thứ đều bất công với người phụ nữ. Tình yêu không, hạnh phúc không, tiếng nói cũng không. Nhưng, chính những áp bức đó đã làm sáng ngời lên những đức tính, phẩm hạnh đáng quý, đáng trân quý của người phụ nữ. Người phụ nữ ngày xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách.

Đọc Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, ta thấy Vũ Nương đúng là một mẫu mực của phụ nữ phong kiến với những phẩm chất đáng quý.  Nàng “thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp”, là chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam. Trong đạo vợ chồng, nàng hết sức khôn khéo, hết sức chú trọng “giữ gìn khuôn phép” để hy vọng có được một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Chuyện đã phản ánh hiện thực xã hội đầy bất nhân oan trái. Chính chiến tranh loạn lạc, chính xã hội bất công đã gây nên bi kịch về cuộc đời nàng.Ngày  Trương Sinh phải lên đường ra trận, nàng tiễn chồng với lời tống biệt dịu dàng,  thiết tha mà chân thành: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo  được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang được hai  chữ bình yên, thế là đủ rồi …”. Đó là một tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam dung dị, không màng danh lợi, chỉ mong vun quén cho một mái ấm gia đình.  Trong những năm tháng đằng đẵng chồng còn ngoài nơi chiến địa, người thiếu  phụ đáng thương ấy đã ra sức tần tảo nuôi con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng,  ngày đêm giữ gìn tiết hạnh hầu vun đắp dưỡng nuôi cho cái nguồn hạnh phúc  mà nàng đang mong đợi. Đối với mẹ chồng, nàng giữ vẹn đạo làm dâu thảo. Vũ Nương hết lòng săn sóc, lo thuốc thang khi mẹ ốm đau và cả việc lo ma chay tế lễ khi mẹ chồng mất… Còn gì quý hơn là lời của người mẹ chồng nhận xét về tấm lòng thơm thảo của nàng trước khi bà cụ qua đời. Trong đôi mắt của người mẹ chồng, nàng là người có “lòng lành”. Sự đảm đang hiếu nghĩa ấy cũng biểu hiện phần nào tấm lòng son sắt của nàng đối với Trương Sinh. Có thể nói, đạo làm con, làm vợ, làm mẹ tất cả đều được Vũ Nương thực hiện trọn vẹn… Và có lẽ vẻ đẹp tâm hồn nàng đẩy lên đến cao độ qua hình ảnh chiếc bóng trên vách.  Một chi tiết tưởng đơn giản ấy nhưng bao hàm biết bao ý nghĩa về lòng yêu thương, thủy chung son sắt của nàng đối với chồng. Dù chiến tranh ngăn cách nhưng trong tâm hồn nàng, hình bóng Trương Sinh vẫn khăng khít, gắn bó với nàng như hình với bóng không rời nhau. Vũ Nương ngày ngày đợi chờ, ngóng trông đến thổn thức “Giữ trọn tấm lòng thủy chung, son sắt”, “tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liêu tường hoa chưa hề bén gót”. Nỗi nhớ thương dài theo năm tháng “Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Nàng vừa thương chồng, vừa nhớ chồng, vừa thương xót cho chính mình đêm ngày phải đối mặt với nỗi cô đơn vò võ. Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của những người chinh phụ trong mọi thời loạn lạc xưa nay:

“… Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời.

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong…”

 (Chinh phụ ngâm)

Dường như số phận cuộc đời đã định sẵn cho người con gái này một cuộc sống chẳng mấy hạnh phúc mà chỉ toàn khổ đau, bất hạnh:

"Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."

Lời ai oán trên đã hơn một lần xuất hiện trong sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du giống như một điệp khúc rùng rợn. Đây không phải là một lời nói quá mà điều này lại được thể hiện khá phổ biến trong văn học Việt Nam. Trong một xã hội phong kiến suy tàn lúc bấy giờ, số phận của người phụ nữ thật bé nhỏ, long đong, lận đận. Văn học thời ấy cũng đã nhắc nhiều đến kiếp đời của người phụ nữ, mà có lẽ điển hình trong số ấy là nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương là một bi kịch của gia đình, của số phận phũ phàng của người phụ nữ trong xã hội đầy bất  công oan trái. Lấy chồng chưa được bao lâu thì niềm vui “nghi gia nghi thất” của Vũ Nương bị mất đi khi chồng nàng phải đi lính. Nàng thiếu phụ tuổi xuân còn phơi phới đã phải gánh chịu nỗi buồn “chiếc bóng năm canh” của đời  người chinh phụ:

Mặt biếng tô miệng càng biếng nói

Sớm lại chiều dòi dõi nương song

Nương song luống ngẩn ngơ lòng

Vắng chàng điểm phấn tô hồng với ai

(Chinh phụ ngâm)

Những nỗi khổ về vật chất đề nặng lên đôi vai mà nàng phải vượt qua hết.  Những tưởng khi giặc tan, chồng về, gia đình được sum vầy thì không ngờ giông bão đã ập đến, bóng đen của cơn ghen đã làm cho Trương Sinh mù  quáng. Chỉ nghe một đứa trẻ nói những lời ngây thơ vô tình mà anh đã tưởng vợ mình hư hỏng. Trương Sinh chẳng những không hỏi cho rõ ràng mà đánh đập  phũ phàng rồi ruồng rẫy đuổi nàng đi, không cho nàng thanh minh.Bị dồn vào  bước đường cùng, Vũ Nương phải tìm đến cái chết để kết thúc một kiếp người  trong oan khuất. Bi kịch của Vũ Nương là bi kịch gia đình:

“Có con phải khổ vì con

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”

Nếu như người phụ nữ ẵm con mang theo nỗi buồn sâu thẳm để chờ chồng rồi hóa đá thì nàng Vũ Nương không thể biện minh cho mình nên đã nhờ dòng sông Hoàng Giang rửa sạch oan khiên. Trước khi nàng tự tử, nàng ngửa mặt lên trời cao để phân trần cùng trời đất “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ… Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin  làm ngọc Mị Nương, xuống đất làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Nàng đã nêu hậu quả của mình nếu không lòng trinh tiết chờ chồng để minh oan với trời đất. Đắng cay đến thế! Một người vợ thủy chung, một người con dâu ngoan hiền như người mẹ chồng đã nói lúc lâm chung “xanh kia quyết chẳng phụ con…”, thế mà nàng phải mượn  dòng nước Hoàng Giang cuốn trôi nỗi đau đời.

Kết bài:

Điểm hội tụ nét đẹp của văn chương chính là sự đồng điệu trong tâm hồn của  trái tim nhà nghệ sĩ đó chính là tinh thần nhân đạo cao đẹp, là ước mơ về hạnh  phúc cuộc đời. Nguyễn Dữ đã thể hiện thế giới thủy cung tuy huyền bí, hoang đường nhưng vẫn đầy ấp nhân nghĩa thủy chung. Văn học là một hoạt động sáng tạo của con người nhằm khám phá và khẳng định những giá trị của đời sống. Nguyễn Dữ đã nhìn thấy những bất công, những nghịch cảnh, nghịch lí đối với con người và thủ phạm của nó. Ông thể hiện sự quan tâm, niềm thương cảm sâu sắc đối với những con người phải chịu đau khổ, thiệt thòi. Thể hiện thái độ căm ghét, lên án, tố cáo những cái xấu, cái ác. Quan trọng hơn, nhà văn đã  khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp của con người, thể hiện niềm tin vào cái đẹp, vào công lý. Trân trọng vẻ đẹp của người con gái Vũ Nương, tác giả đề cao giá trị nhân nghĩa: “Ở hiền gặp lành”, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân.

Qua số phận và cuộc đời của nhân vật Vũ Nương, tác giả đã phản ánh số phận bi thương của người phụ nữ thời phong kiến, ngợi ca số phận tốt đẹp của họ.  Nguyễn Dữ đã cho ta thấy được cái tâm cái tài của người nghệ sĩ của một người nghệ sĩ lớn. Thời gian vẫn cứ trôi đi nhưng những trang viết của Nguyễn Dữ vẫn còn đấy, khẳng định được chỗ đứng của mình trong khu vườn văn học để rồi ta nhớ mãi về tác phẩm để hoài niệm về quá khứ xa vắng, để đau xót, để yêu thương.

Hy vọng qua kiến thức trên đây, các em sẽ hiểu hơn về nhân vật Vũ Nương – hình ảnh của người con gái Việt Nam: người vợ thuỷ chung, người con dâu thảo, người mẹ thương con, người phụ nữ bao dung, vị tha và trọng nhân, tình nghĩa. Để học thêm nhiều kiến thức mới bổ ích theo dõi Học văn chị Hiên. ngay nhé!

Học văn chị Hiên – Hơn cả một bài văn

Tin liên quan